Chế độ ăn uống dành cho bệnh nhân glôcôm

Glôcôm là bệnh mắt tiến triển mạn tính, không hồi phục của thần kinh thị giác có hoặc không liên quan tới tăng áp lực trong mắt. Hiện tại chưa có cách điều trị triệt để, chỉ có thể kiểm soát để ổn định của bệnh. Do vậy, hiểu biết về chế độ ăn phù hợp sẽ giúp tăng hiệu quả kiểm soát và hạn chế sự tiến triển của glôcôm.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Hoa quả và Rau xanh

Các chất chống oxi hóa và nitrate trong rau củ quả có thể giảm nguy cơ xuất hiện glôcôm. Vì vậy ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt các loại giàu vitamin A và C, carotenes và nitrates rất có lợi cho bệnh nhân glôcôm. Cụ thể nên dùng nhiều các loại rau lá xanh, cà rốt, rau họ cải, việt quất, cam quýt và đào.

Tinh bột

Các nghiên cứu gần đây cho thấy ăn ít tinh bột không liên quan đến nguy cơ xuất hiện glôcôm. Tuy nhiên tăng tiêu thụ thịt mỡ và đạm thực vật kèm theo giảm tinh bột có thể giảm nguy cơ tổn hại thị giác.

Vitamin B3

Mặc dù cần thêm nhiều bằng chứng nhưng dường như Vitamin B3 cho thấy tiềm năng dự phòng bệnh glôcôm. Những thực phẩm giàu B3 gồm thịt gà, lạc, nấm, gan, cá ngừ.

Omega-3

Acid béo Omega-3 trong dầu cá (cá hồi) và hạt chia được phát hiện là có thể giảm tỉ lệ xuất hiện glôcôm.

Caffeine

Uống cà phê hoặc các đồ uống có caffeine có thể tăng nhãn áp thoáng qua trong 2 giờ. Caffein được cho là gây tăng sản xuất thủy dịch trong mắt. Thay đổi ngắn hạn này không ảnh hưởng ở phần lớn người khỏe mạnh nhưng với những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao từ gia đình hoặc đang bị glôcôm ở giai đoạn trầm trọng thì không nên dùng quá 3 - 5 ly cà phê mỗi ngày. Các đồ uống tách caffeine có thể là một lựa chọn an toàn hơn.

Trà

Lượng caffeine trong trà thấp và không gây ra thêm bất cứ nguy cơ nào cho người bệnh glôcôm. Thực tế, người thường xuyên uống trà (một tách mỗi ngày) có tỉ lệ xuất hiện glôcôm thấp hơn người không uống trà. Trà có chứa flavonoids giúp giảm nguy cơ glôcôm thông qua cải thiện tuần hoàn tới đầu thị thần kinh.

Sôcôla đen

Sôcôla đen cũng chứa flavonoids và được cho là có tác dụng hỗ trợ ổn định các bệnh tim mạch. Cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định về tác dụng có lợi của sôcôla đen trên bệnh nhân glôcôm.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Rượu vang

Rượu vang đỏ dùng ở mức độ vừa phải có thể giảm nguy cơ mắc glôcôm nhưng cần thêm bằng chứng khoa học để khẳng định mối liên quan này. Nho trong rượu vang có một số chất chống oxi hóa giúp cải thiện tuần hoàn đầu thị thần kinh.

Nước

Nước là một phần tất yếu của cuộc sống và việc uống đủ nước mỗi ngày rất quan trọng. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn có thể gây tăng nhãn áp thoáng qua (chẳng hạn như thói quen Bắc Kạn khi uống bia vại lớn). Do vậy bệnh nhân glôcôm được khuyến cáo uống ngụm nhỏ, nhiều lần rải rác.

Thực phẩm chức năng

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được hiệu quả của việc uống đều đặn thực phẩm chức năng trong điều trị glôcôm. Một số bệnh nhân glôcôm kèm theo thoái hóa hoàng điểm. Những trường hợp này có thể được khuyến cao nên uống bổ sung một số vi chất hỗ trợ chức năng hoàng điểm.

ThS.BSNT Hoàng Thanh Tùng

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài