Khai thác kỹ tiền sử gia đình được biết, thấy con bị táo bón, gia đình nghe lời người quen hái lá du mại về giã lấy nước cho bé uống. Sau đó bé Q xuất hiện đi tiểu màu đỏ, da xanh, mệt mỏi, sốt và đau bụng.
Quá trình bé Q điều trị, theo dõi tại bệnh viện, các bác sỹ nhận thấy lượng huyết sắc tố của trẻ giảm xuống nhanh trầm trọng, từ 70 g/l lúc vào viện, xuống còn 45 g/l sau 10 giờ nhập viện. Bé được truyền máu cấp cứu, truyền dịch tăng cường, làm xét nghiệm công thức máu, chức năng thận, xét nghiệm nước tiểu sau mỗi 6 giờ để theo dõi diễn biến điều trị của trẻ. Sau 2 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhi dần được cải thiện, quá trình tan máu giảm dần và ngừng hẳn, nước tiểu của trẻ cũng trong dần. Sau 6 ngày điều trị bệnh nhi ổn định, được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình và tập thể bác sỹ, điều dưỡng khoa Nhi.
Hình ảnh : Bé Q trong ngày ra viện
Cây du mại là loại cây rừng, thường được người dân trồng trong vườn nhà, do có tác dụng nhuận tràng, nên được người dân mách nhau dùng lá này chữa táo bón, kiết lỵ…Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, có thể gây ngộ độc. Đối với những bệnh nhi bị ngộ độc lá du mại trên nền thiếu men G6PD, thì tình trạng bệnh tiến triển nhanh và nặng hơn những trẻ bình thường khác. Rất dễ tử vong nếu không được điều trị cấp cứu kịp thời.
Ảnh: Lá du mại
Mặc dù đã được tuyên truyền, cảnh báo về tác hại của lá du mại, nhưng hằng năm khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ vẫn gặp một số ca nhập viện vì ngộ độc lá du mại do gia đình vẫn sử dụng lá này để chữa bệnh, gây nguy hiểm cho tính mạng của người thân. Qua đây, một lần nữa chúng tôi khuyến cáo, người dân không nên ăn lá du mại nói riêng và lá cây rừng, những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng nói chung để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Mai Hồng Tình
khoa nhi - Bệnh viện ĐKKV Nghĩa Lộ